Nằm cách thành phố Châu Đốc, An Giang khoảng 30 km về phía Tây Nam và thành phố Long Xuyên khoảng 60 km, rừng tràm Trà Sư với diện tích 845ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được trồng theo mô hình hệ sinh thái điển hình vùng ngập nước phía Tây sông Hậu. Đến đây, bạn không chỉ bị thu hút bởi không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng hai bên, mà còn được tiếp xúc ở cự ly gần với hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm bởi nơi đây còn được phát triển để trở thành “ngôi nhà chung” – khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này. Nơi này được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.

Về miền Tây sông nước, đến vùng đất An Giang mà không đi tham quan rừng tràm thì quả là một thiếu sót lớn. Nơi đây không chỉ là địa điểm nổi bật nhất thể hiện văn hóa miền sông nước mà còn là địa điểm của nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu, nhiều du khách tìm đến tham quan.

Những ngày tháng 10, An Giang vào mùa nước nổi đặc trưng, khu rừng tràm xanh mướt nổi bật giữa mênh mông nước đỏ phù sa. Tham quan rừng tràm trên những chiếc thuyền máy, xuôi theo dòng nước, lướt trên "biển" bèo xanh ngắt, hai bên bạt ngàn sen, bìm bịp nở hoa, cỏ năng tươi tốt du khách không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước cảnh sắc, thiên nhiên rất đỗi độc đáo của khu rừng sinh thái.



Một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến với rừng tràm Trà Sư chính là việc du ngoạn trên sông bằng xuồng chèo và tắc ráng. Tắc ráng là tên gọi của xuồng máy, hay còn gọi là vỏ lãi, là phương tiện sinh sống gắn liền với người dân miền sông nước.

Điều du khách rất thích ở Trà Sư là con đường nước mênh mang, tình tứ ôm trọn cánh rừng già nằm hiền hòa giữa thiên nhiên óng mượt, dường như nhẹ nhàng phân chia ranh giới từ đó Trà Sư như những “hòn đảo nổi”, bồng bềnh dịu dàng trong biển nước bao la. Cứ thế ẩn mình dưới tán tràm râm mát, dòng chảy quanh co, uốn lượn uyển chuyển tạo nên khung cảnh trầm mặc nhưng đầy lãng mạn và nên thơ.Càng đi sâu hơn vào khu rừng tràm càng cảm nhận rõ sự độc đáo của khu rừng sinh thái nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long. Dưới những tán cây tràm cao vút là ríu rít tiếng chim làm tổ; là cả một bầu không khí trong vắt, thoáng đãng và yên tĩnh.

Phần lớn loài cây ở Trà Sư là cây tràm, ngoài ra nơi đây còn là nhà của rất nhiều loài động, thực vật khác. Rừng Trà Sư có 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ. Trong đó có loài chim Giang Sen (Mycteria leucocephala) và điên điển phương Đông (Anhinga melanogaster) – 2 loài chim cực kỳ quý hiếm đã được sách đỏ Việt Nam ghi nhận, cộng với 11 loài thú, 25 loài bò sát và 10 loài cá. Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi... Chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
=

Đi lang thang vào vùng lõi trên chiếc cầu tre duyên dáng uốn lượn, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác thời gian như trôi chậm lại để hòa mình vào thiên nhiên. Mạng lưới giao thông “tre” được trang trí như những cung đường hoa tuyệt đẹp len lỏi qua từng hàng tràm cổ thụ.



Đặc biệt, lên đài quan sát cao 25m, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư, xa xa có thể thấy cây tràm nở hoa, thấp thoáng những cánh cò trắng điểm xuyến cho thảm xanh của cây lá bạt ngàn. Khi hoàng hôn xuống, đàn cò bay về đậu trên những vạt rừng như những dải lụa phơi trên đầu cây.


Những “con đường nước” xanh mơn man, tiếng mái chèo khua nhẹ, tiếng gió rì rào, tiếng cá quẫy, tiếng chim kêu ríu rít, tiếng du khách cười nói… Tất cả đã tạo lên một bức tranh về rừng tràm Trà Sư xanh mát, rộn ràng thanh âm sự sống của hiện tại và tương lai.

