Rạp Thầy Năm Tú - Chốn giải trí bậc nhất lục tỉnh Nam Kỳ một thuở
Thầy Năm Tú hay Pierre Tú có tên thật là Châu Văn Tú, người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vốn sinh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên ông rất say mê nghệ thuật cải lương.

Khoảng năm 1917, ông xuất tiền mua lại gánh “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận, do ông này kinh doanh nghệ thuật bị thua lỗ; và thành lập gánh hát thầy Năm Tú.Ông đã tuyển thêm đào kép mới, thuê hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh để làm phông (Fond), phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào kép. Đồng thời, ông còn mới Trương Duy Toản – một nhà nho yêu nước, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân, soạn tuồng. Ông cũng xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho(hiện nay tọa lạc ở ngã ba đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP. Mỹ Tho) để gánh biểu diễn. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta.
Trước đó, các gánh hát thường biểu diễn ở đình, miếu hoặc che dựng tạm thời, hát xong dẹp bỏ. Rạp thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông, màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hằng đêm của thầy tuồng. Rạp có hai tầng, ghế chia theo thứ hạng, trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho các vị khách quan trọng.

Mỗi tối, trước khi khai diễn, ông bày ra tiết mục “tableau vivant” nhằm giúp khán giả nhìn mặt toàn thể diễn viên của gánh sẽ diễn trong đêm hát. Có rạp hát cố định, khang trang và hiện đại; lại có tiềm lực tài chánh hùng hậu, trình độ quản lý chặt chẽ, thu hút được nhiều diễn viên giỏi (Tám Củi, Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há,Năm Châu…), tuồng tích đặc sắc; nên gánh hát của ông là một trong những gánh cải lương nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.
Đến thập niên 1950-1960, rạp được bán lại cho một chủ tiệm vàng và đổi tên là Hí viện Vĩnh Lợi. Hí viện Vĩnh Lợi lúc bấy giờ vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng. Sau năm 1975, rạp Vĩnh Lợi được đổi tên thành Rạp hát Tiền Giang và nay trở lại với tên gọi là Rạp hát Thầy Năm Tú.

Từ năm 2010, sau khi được Sở VH-TT&DL đã trùng tu, thì ngày 4/6/2012, rạp hát Thầy Năm Tú được UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Được biết, từ năm 2013 đến nay, hàng tuần, Sở VH-TT&DL tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng, biểu diễn đờn ca tài tử và tổ chức một số sự kiện văn hóa của tỉnh.
Rạp Thầy Năm Tú – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam"

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của rạp Thầy Năm Tú, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử rạp hát thầy Năm Tú vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng.
Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương.
Mọi thông tin xin gửi về:
Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.
Email:
Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555
Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings