Sáng ngày 22/11/2022, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã long trong tổ chức Lễ Phong tặng Danh hiệu Làng nghề Việt Nam lần thứ X năm 2022 tại Trung tâm Triễn làm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Đây là hoạt động định kỳ của Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2007. Trong sự kiện lần này, Hội đồng xét tặng của Hiệp hội đã quyết định vinh danh 01 Làng nghề văn hóa du lịch tiêu biểu, 187 Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 16 Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam, 3 bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam, 6 sản phẩm thủ công mỹ nghệ Tinh hoa làng nghề Việt Nam, 9 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam, 16 Thợ giỏi làng nghề Việt Nam.

Sự kiện Phong tặng Danh hiệu Làng nghề Việt Nam lần thứ X năm 2022. (Ảnh: VietKings)
Các làng nghề Việt Nam có lịch sử truyền thống lâu đời tồn tại và phát triển theo thăng trầm cùng với lịch sử đất nước, là nơi sản sinh và lưu trữ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, hội tụ những tinh hoa văn hóa Việt Nam được bồi đắp theo bề dày lịch sử. Các làng nghề không chỉ tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp vào kinh tế phát triển đất nước mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề đã góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.Hoạt động tôn vinh làng nghề và nghệ nhân của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã có tác động rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, chăm sóc nghệ nhân làng nghề, gìn giữ và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống.
.jpg)
Không chỉ tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân - làng nghề, đây còn là dịp để các nghệ nhân có thể gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệp lẫn nhau. (Ảnh: VietKings)
TRAO BẰNG XÁC LẬP KỶ LỤC ĐẾN CÁC NGHỆ NHÂN/ ĐỢN VỊ THUỘC HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
Cũng trong sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã chính thức trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến 3 cá nhân, đơn vị thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bao gồm: Hội Làng nghề rắn Vĩnh Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc), Nghệ nhân Dương Văn Tiến và Nghệ nhân Nguyễn Đại Thắng.
TS. Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ, chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục đến 3 cá nhân và tổ chức tại sự kiện. (Ảnh: VietKings)
HỘI LÀNG NGHỀ RẮN VĨNH SƠN - LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG CÓ SỐ HỘ CẤP PHÉP CHĂN NUÔI RĂN HỔ MANG NHIỀU NHẤT VIỆT NAM
Xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc từ xa xưa người dân đã có nghề truyền thống là săn bắt rắn độc ở ngoài thiên nhiên. Rắn được bắt về và được người dân nuôi nhốt trong thùng gỗ hoặc xây bể. Rắn được cho ăn cóc, chuột đến khi đủ số lượng thì xuất bán cho thương lái hoặc làm rượu bổ (tam xà, ngũ xà,..) bán cho khách hàng sử dụng. Đến năm 1979, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học của Viện khoa học Việt Nam (nay là Viện hàn lâm khoa học Việt nam) và được sự nhất trí của Huyện ủy, UBND huyện và Tỉnh ủy UBND tỉnh cho phép xã Vĩnh Sơn xây dựng trại nuôi rắn hổ mang sinh sản đầu tiên với quy mô 3000m2. Đây được xem là tiền đề ban đầu cho phong trào nuôi rắn của làng nghề rắn Vĩnh Sơn hiện nay.
.png)
Làng nghề rắng Vĩnh Sơn. (Ảnh: internet)
Với nghề nuôi rắn lâu đời, xã Vĩnh Sơn đến nay đã đạt được những thành tựu trong sản xuất kinh doanh góp phần đẩy mạnh nền kinh tế của địa phương. Hiện làng nghề rắn Vĩnh Sơn thường xuyên có khoảng 800 đến 900 hộ nuôi rắn (những hộ nuôi với số lượng từ 400 đến 500 con trở lên). Những hộ chăn nuôi rắn tại làng nghề đều được cấp mã số chứng nhận chăn nuôi của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, khi xuất bán đều thông qua sự kiểm soát số đầu con và trọng lượng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hiện tại số đầu con rắn nuôi tại làng nghề (đã được cấp mã số) trên 1 triệu con gồm Rắn bố mẹ, Rắn tuổi 1,2 và Rắn thịt thương phẩm. Với rắn và các thương phẩm, sản xuất từ rắn, các dịch vụ phục vụ cho nghề nuôi rắn, doanh số hằng năm của làng nghề đạt trên 600 - 1000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ nuôi rắn hàng năm đạt từ 400 đến 600 tỷ đồng, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế địa phương cũng như tạo rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Sau quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ do đơn vị cung cấp, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định trao bằng Kỷ lục Việt Nam đến Hội Làng nghề rắng Vĩnh Sơn với nội dung: "Làng nghề truyền thống có số hộ cấp phép chăn nuôi rắn hổ mang nhiều nhất tại Việt Nam".

TS. Thang Văn Phúc (vest đen) trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến đại diện Hội làng nghề rắng Vĩnh Sơn. (Ảnh: VietKings)
NGHỆ NHÂN DƯƠNG VĂN TIẾN: NGƯỜI THỰC HIỆN TÁC PHẨM " TỨ LINH KHÁNH HỘI - BỨC PHÙ ĐIỀU ĐẮP NỐI HÌNH LONG, LÂN, QUY, PHỤNG BẰNG CHẤT LIỆU XI MĂNG GIẢ GỖ ĐẠT GIÁ TRỊ ĐỘC BẢN VIỆT NAM
Ông Dương Văn Tiến sinh năm 1960, là một doanh nhân, nghệ nhân lâu năm tại mảnh đất cảng Hải Phòng. Năm 2016, ông được Ban chấp hành Trung ương hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ Nhân Làng Nghề Việt Nam". Từ đâu ông đã nhận thấy việc nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, rừng thường xuyên bị khai thách trái phép đang ngày càng gia tăng. Với mong muốn phát triển nghề điêu khắc song song với bảo vệ nguồn gỗ tự nhiên, nghệ nhân Dương Văn Tiến đã có ý tưởng sáng tạo dùng chất liệu xi măng, cát và dây thép để chế tác ra bức phù điêu: Long – Lân – Quy – Phụng. Bức tranh phù điêu được ông hoàn thành từ xi măng có chiều cao 0,92m (đế cao 0,2m; tranh cao 0,72m); đường kính 0,72m; chiều dày 0,1m và cân nặng 25kg. Dưới bàn tay điêu luyện của nghệ nhân Dương Văn Tiến, bức Long – Lân – Quy – Phụng có màu sắc sơn giả gỗ ưa nhìn phong nhã, với kỹ năng đắp vẽ bức phù điêu chênh bong các con vật sống động và có ý nghĩa về thuần phong mỹ tục của người Việt rất sâu sắc từ đời xưa.

Nghệ nhân Dương Văn Tiến và tác phẩm Tứ Linh khánh hội xác lập giá trị kỷ lục độc bản (Ảnh KLG cung cấp)
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKing quyết định trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Nghệ nhân Dương Văn Tiến – người thực hiện tác phẩm “Tứ Linh khánh hội - Bức phù điêu đắp nổi hình long, lân, quy, phụng bằng chất liệu xi măng sơn giả gỗ đạt giá trị độc bản Việt Nam".

TS. Thang Văn Phúc (vest đen) trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến nghệ nhân Dương Văn Tiến (vest xanh đen). (Ảnh: VietKings)
NGHỆ NHÂN NGUYỄN ĐẠI THẮNG - NGƯỜI SÁNG TẠO RA GẠCH GỐM HOA VĂN CHỮ VẠN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA ĐẠT GIÁ TRỊ ĐỘC BẢN VIỆT NAM
Gạch Gốm hoa văn nền gấm chữ "Vạn" là loại gạch Gốm xây dựng được Nghệ nhân Nguyễn Đại Thắng thiết kế từ nguồn cảm hứng nhiều năm nghiên cứu các công trình đền tháp lăng mộ cổ hàng nghìn năm tại vùng Kinh Bắc Luy Lâu, và từ một lần hành hương tham quan Thánh tích Phật giáo tai Ấn Độ. Chứng kiến những viên gạch trường tồn cùng thời gian dù được xây dựng cả hơn 2000 năm mà không hề hao mục, ông đã ấp ủ ý định học theo tiền nhân phục chế lại những viên gạch đặc biệt để xây dựng các công trình văn hóa trường tồn cho muôn đời. Nhận thấy hoa văn chữ Vạn là một đồ hình vô cùng đẹp và ý nghĩa đã được sử dụng phổ biến trong các nền văn hóa khắp Đông Tây. Đặc biệt nó là một dấu ấn tượng trưng tiêu biểu của Phật giáo với ý nghĩa "Cát tường, Phúc đức, và trí tuệ Viên mãn" là điều mà mọi người đều mong ước có được, ông đã quyết định dùng dấu ấn chữ Vạn làm hoa văn trang trí lên viên gạch Gốm của mình.

Nghệ nhân Nguyễn Đại Thắng và sản phẩm Gạch gốm hoa chữ Vạn của ông (Ảnh KLG cung cấp)
Qua nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm và điều chỉnh kích thước, dưới sự giúp đỡ của người cha là nghệ nhân quốc gia Nguyễn Đăng Vông cùng các nghệ nhân làm gốm trong gia đình, ông đã hoàn thành viên gạch có kích thước chuẩn tỉ lệ vàng fibonacci là: dài 31,5cm, rộng 14,5cm, cao 6,5cm, nặng 6,5kg. Gạch được làm bằng đất sét đỏ tại vùng đất Luy Lâu, dùng khuôn gỗ khắc hoa văn hình chữ Vạn đóng thủ công, nung trong lò củi ở nhiệt độ cao trên 1150 - 1300 độ C. Do hỏa biến gạch sau khi nung chở thành chất sành nâu có viên tự lên men bóng tự nhiên đa dạng sắc màu từ đỏ, vàng, xanh, tím, nâu rất cứng chắc và bền nặng. Sản phẩm của ông đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam .
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKing quyết định trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Nghệ nhân Nguyễn Đại Thắng - người sáng tạo ra gạch gốm hoa văn nền chữ vạn xây dựng công trình văn hóa đạt giá trị độc bản Việt Nam.

TS.Thang Văn Phúc (vest đen) trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Nghệ nhân Nguyễn Đại Thắng. (Ảnh: VietKings)
Sự kiện trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến các nghệ nhân, làng nghề không chỉ là quá trình ghi nhận và vinh danh những thành tựu, mà còn là một lời tri ân sâu sắc đến những cá nhân, tập thể, những con người đã không ngừng sáng tạo, cống hiến, điểm tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ kinh tế phát triển hiện đại ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống đó càng trở nên vô cùng ý nghĩa, vừa mang lại giá trị kinh tế bền vững, vừa góp phần mang vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.