Là cả một tổng thể kiến trúc đền tháp của người Chăm – còn gọi là tháp Phú Hài, thờ các tiểu tiên nữ con gái Thần Mẹ Pô Nagar.
Đây là tuyệt tác của các dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Nhóm tháp này gồm 3 tháp với nhiều tháp bị đổ khác nay chỉ còn lại phế tích và nền móng. Ba ngôi tháp hiện còn phân bổ trên 2 tầng đất, quay mặt về hướng đông. Cả ba ngôi tháp đều là tháp vuông nhiều tầng, có niên đại thế kỷ VIII, ở phong cách Mỹ Sơn E1 (phong cách kiến trúc Chăm cổ). Có một số yếu tố kiến trúc như cột trụ tròn ở các cửa giả, mi giả… tương tự như ở các Đền tháp Khmer.
Nhóm tháp Chàm Pô-Sha-Nư tọa lạc trên một ngọn đồi có tên «Lầu Ông Hoàng», cách thành phố Phan Thiết 6km về phía Đông Bắc.
Với khối óc và bàn tay khéo léo, người Chăm đã tạo ra một kiệt tác ghi đậm dấu ấn một thời vàng son của họ. Những viên gạch được sắp xếp chính xác tuyệt đối, những đường vòng cung tuyệt diệu trên tháp làm cho người xem càng thêm phần khó hiểu bởi độ khó của nó. Màu vàng sẫm của gạch trông giống như màu của hoàng hôn khi chiều buông. Mỗi khi chiều về, Pô Sah Inư như thể hòa mình vào không gian tĩnh lặng của hoàng hôn, vừa cổ kính lại mang trong mình một bí ẩn lung linh đầy phép màu.
Tháp A có cấu trúc đẹp nhất, để thờ thần Shiva. Bên trong kiến trúc tháp hình tam giác. Phía trên có 5 lỗ thông gió nhằm để hút hương trầm mỗi khi thờ cúng.
Mang tầm vóc quan trọng nên tháp A cũng được xây dựng theo phong cách riêng biệt. Các nhà khoa học cho rằng, những họa tiết trên tháp muốn đạt đến một trình độ tinh xảo như vậy đòi hỏi con người phải lao động cật lực. Nhiều họa tiết trên tháp phải được đục đẽo ngay sau khi lắp ráp các viên gạch lại chứ không phải được tạo ra sẵn rồi ghép lại.
Hàng năm vào tháng giêng âm lịch, các Lễ hội Rija Nưga, Pob Mbăng Yang được tổ chức dưới chân tháp. Nhân dân làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành.