Check in Việt Nam (P.250): Làng lụa Vạn Phúc – Khám phá vẻ đẹp làng nghề truyền thống

08-12-2020

(VietTop) Nếu bạn có niềm đam mê với những làng nghề truyền thống, muốn được tìm hiểu và khám phá những nét đẹp vượt thời gian ấy thì hãy đến với Làng lụa Vạn Phúc!

 

Làng lụa Vạn Phúc còn có tên gọi khác là làng lụa Hà Đông, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Nếu bạn muốn di chuyển đến đây bằng xe máy thì chạy theo hướng dẫn sau: Trung tâm thành phố - Nguyễn Trãi - Lê Văn Lương - Tố Hữu.

 

Bia đá sừng sững “Làng lụa Vạn Phúc”. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Lịch sử của Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc xưa kia có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Năm 1931 lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưu chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

 

Cổng làng lụa. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.

 

 Nơi có sản phẩm tinh xảo nhất xứ Đông Dương. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

 

 

Làng lụa Vạn Phúc có gì đặc biệt

Làng Vạn Phúc hiện nay có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại đây. Mỗi năm, làng sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu mét vuông vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.

Tuy thời nay có rất nhiều những loại lụa chất lượng kém được nhập từ Trung Quốc về làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín và chất lượng của lụa Vạn Phúc nhưng người dân nơi đây vẫn đang cố gắng, chăm chút từng bước một để tạo ra những sản phẩm tốt nhất và khẳng định lại vị thế của mình. Họ vẫn đang tiếp bước từ những tinh túy mà cha ông họ để lại, để dần dần cải tiến những mẫu mã sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn đến tay người dùng.

 

Làng lụa Vạn Phúc với những nét cổ xưa của một làng quê Việt. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Lụa Vạn Phúc ngày nay được biến tấu trở nên đa dạng chủng loại, mẫu mã, cùng với những tên gọi khác nhau như long phượng, mây bay, tứ quế, đũi hoa, vân thọ đỉnh…

Hình dạng hoa văn trên lụa được thể hiện dưới đôi bàn tay tinh luyện, cách nhìn tinh tế tạo nên những sản phẩm có sức tưởng tượng phong phú, độc đáo và giàu tính thẩm mỹ. Thương hiệu lụa của làng nổi tiếng bởi chất liệu từ 100% sợi tơ tự nhiên vừa óng ánh vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

 

Lụa Vạn Phúc vạn người mê. Ảnh: travelholic.vn

 

Cũng bởi đặc tính nổi trội này mà mỗi khi khách ghé tới làng chẳng bao giờ quên mua một vài tấm lụa về làm quà cho người thân và bạn bè. Ngoài ra, bên cạnh mục đích mua sắm, những năm gần đây làng lụa Vạn Phúc cũng thu hút nhiều du khách ghé tới tham quan để được tận mắt chiêm ngưỡng cách tạo ra những sản phẩm từ lụa độc đáo.

 

Các sản phẩm bắt mắt. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Lễ hội ở làng lụa Vạn Phúc

Tuần lễ văn hóa – du lịch – thương mại của làng lụa nổi tiếng đất Hà Thành này là hoạt động tổ chức thường niên diễn ra từ ngày mùng 8/11 đến ngày 17/11 hằng năm. Lễ hội gồm 3 phần chính: phần lễ, phần hội và phần cuối là quảng bá làng nghề truyền thống.

Phần lễ cùng chủ đề “Vạn Phúc dấu xưa” là phần mở màn cho hội, tiếp đó là tiệc rước tâm linh của những người dân quê lụa.

 

Lễ hội ở làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: laodong.vn

 

Hòa vào không khí lễ hội là một cảnh sắc trang trí vô cùng lộng lẫy của làng lụa Vạn Phúc, du khách tới đây như được lạc vào phố cổ Hội An với những chiếc ô đầy đủ sắc màu trên nền trời cao.

Một không gian trang trí vô cùng ấn tượng, không những được chiêm ngưỡng nét độc đáo từ làng nghề truyền thống mà du khách còn phần nào hiểu thêm về nền văn hóa nước ta.

 

Những chiếc ô đầy đủ sắc màu trên nền trời cao. Ảnh: dulichvietnam.com.vn

 

Đến với quê lụa, du khách được trải nghiệm quá trình dệt lụa của từ những bước đầu tiên. Từ những sợi tơ tằm được lấy từ đâu, rồi tiếp đó là quá trình lấy tơ, chọn tơ, hồ sợi, dệt,… tất cả các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người dân quê lụa.

 

Từng công đoạn được làm rất tâm huyết. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Tiếp đến là đi tham quan những xưởng dệt từ lâu đời vẫn còn sót lại ở làng lụa cổ này, từ những khung tơ, khung cửi, máy dệt, … nét cổ kính còn lưu giữ trong thời hiện đại. Một thời kì mà có lẽ những thứ xưa cũ như vậy chẳng còn mấy nơi gìn giữ, thay vào đó là những chiếc máy móc hiện đại, tân tiến.

 

Những xưởng dệt từ lâu đời vẫn còn sót lại ở làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Ăn gì khi đi thăm làng lụa Vạn Phúc?

Kết thúc chuyến tham quan làng lụa Vạn Phúc, bạn được thưởng thức những thức quà giản đơn mà thấm đượm vị quê hương. Điều ấy còn gì thú vị và hấp dẫn hơn nữa. Một cốc chè đỗ đen, thạch dừa, 10.000 VND, thanh mát giữa ngày hè oi ả hay bánh rán giòn, vàng thơm, béo ngậy với giá chỉ 5000 VND /cái rất hợp lý. Chỉ với chiếc xe đẩy hàng nhỏ nhỏ, chị ấy đã mang ký ức tuổi thơ chở đi khắp chốn.

 

Bánh rán, bánh ít trên chiếc xe đẩy hàng. Ảnh: blog.traveloka.com

 

Ngoài ra nếu bạn muốn thưởng thức những món ăn hấp dẫn khác thì có thể ghé đến những địa chỉ dưới đây:

- Lẩu 1 Người - Vạn Phúc: B7 63 Vạn Phúc, Quận Hà Đông.

- Pizza Box - Vạn Phúc: 430 Vạn Phúc, Quận Hà Đông.

- Tre Quán - Bánh Bao Nóng: Vạn Phúc, Quận Hà Đông.

- San Hô Đỏ - Hải Sản Tươi Sống: 26 Vạn Phúc, Quận Hà Đông.

- Tơ Thức - Đặc Sản Vịt: 430 Vạn Phúc, Quận Hà Đông.

 

Nếu có cơ hội, hãy ghé thăm làng lụa Vạn Phúc để tìm hiểu nét văn hóa cội nguồn được gìn giữ qua bao đời nay, thưởng thức những món ăn dân dã để có những trải nghiệm thú vị.


Trung tâm top Việt Nam (Sưu tầm, tổng hợp)