Tháp Chăm, hay còn gọi là tháp Chàm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm), sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay.
Các tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
1. Tháp Bằng An (Quảng Nam)
Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam. Tháp có kiến trúc độc đáo mang hình một linga thẳng đứng.
Tháp được xây dựng theo hình bát giác, mỗi cạnh rộng 4m. Tháp cao 21,5m (gồm phần thân và mái tháp); thân cao 12,7m được bọc kín chỉ có một lối đi vào qua tiền sảnh dài 6m, rộng 1,55m. Chóp tháp nhọn, thon, bên trong thờ một linga bằng đá - biểu tượng của thần Siva tượng trưng cho sức mạnh (nay chỉ còn bệ thờ).
Phía trước tháp có hai con vật bằng đá là sư tử và voi. Theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì tháp Bằng An là một di tích có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm.
2. Tháp Chiên Đàn (Quảng Nam)
Tháp Chiên Đàn là một trong những ngôi tháp cổ của tháp cổ Champa, hiện còn tồn tại ở làng Chiên Đàn, xã Tam An, thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tháp Chiên Đàn hiện có cả một khu tháp gồm ba ngôi tháp khá lớn, tuy nhiên chỉ còn ngôi tháp Trung tâm là còn khá nguyên vẹn và còn giữ được hình thù của một ngôi tháp còn nguyên phần thân và một tầng phía trên, còn hai ngôi tháp còn lại, tháp Nam và tháp Bắc đã mất hoàn toàn các tầng phía trên, chỉ còn lại phần thân tháp.
Mặc dù tháp Chiên Đàn mang ảnh hưởng của phong cách Mỹ Sơn A1, nhưng các yếu tố điển hình của phong cách này đã bắt đầu mờ nhạt dần, chỉ có tháp Nam còn giống bởi các đường kẻ hở của cột ốp chạy từ chân lên tới hết phần đầu cột, còn tháp Trung tâm và tháp Bắc kẻ hở chỉ nằm gọn trong phần thân của cột ốp, ngoài ra vòm của giả và cửa ra vào tháp đã co lại và nhô cao như hình mũi giáo
Dựa vào các yếu tố kiến trúc và điêu khắc trên, các nhà nghiên cứu đã xếp tháp Chiên Đàn vào nhóm tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định.
3. Tháp Khương Mỹ (Quảng Nam)
Tháp Khương Mỹ là di tích văn hóa Champa còn sót lại thuộc thôn 4, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Nhóm tháp Khương Mỹ gồm 3 công trình kiến trúc xếp thành hàng ngang theo trục Bắc-Nam. Đây là kiểu tháp Chămpa truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.
Tại Khương Mỹ, vào năm 1918, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm thấy một thành bậc cấp bằng sa thạch có chạm cảnh hai người đang đấu vật, trong đó gương mặt của người ở bên phải rất dữ tợn, miệng có răng nanh; một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là trích đoạn cảnh chiến đấu của Rama và quỷ vương Ravana trong trường ca Ramayana.
4. Quần thể Tháp Chàm: Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, Tháp Đôi (Bình Định)
Tháp Dương Long:
Thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn khoảng 50km, tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Tháp là một quần thể gồm 3 tháp. Tháp giữa cao 40m, hai tháp 2 bên cao 38m. Phần thân tháp được xây bằng gạch, các góc được ghép bằng những tảng đá lớn và trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng Đông và được nâng lên khá cao khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Những chi tiết được trang trí ở đây đều rất lớn, chạm trổ trên sa thạch với những đường nét rõ ràng và còn giữ được lâu. Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh xảo, các đường nét vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, các họa tiết trang trí sống động, tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.
Tháp Bánh Ít:
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc, thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn 20km. Trên đỉnh quả đồi giữa 2 nhánh của sông Côn là Tân An và cầu Gành, bên quốc lộ 1A, cách Quy Nhơn khoảng 20km. Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, tháp chính cao 22m, trông xa giống như chiếc bánh ít. Tháp có cửa chính quay về hướng Đông. Vòm cửa được tạo dáng mũi lao hai lớp thu nhỏ về phía trên với các hoa văn hình xoắn nối kết nhau.
Cửa chính còn được trang trí bằng một hình phù điêu tạc hình Ganesa, hình Haruman. Ba cửa giả quay các hướng còn lại đều mô phỏng cấu trúc và trang trí của cửa chính. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1982.
Tháp Cánh Tiên:
Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi là tháp Đồng, được xây dựng bên thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn vào khoảng thế kỷ 12. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần phía trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa văn dây xoắn. Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát nhưng trang nghiêm và đẹp với phong cách xây dựng bài trí văn hóa Chăm. Tháp có 4 tầng thu nhỏ về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên bốn phía đều giống như cánh tiên đang bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1982.
Tháp Đôi:
Thuộc địa phận phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố 3 km. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Tháp được trùng tu năm 1996. Tháp Đôi còn được gọi là tháp Hưng Thạnh, gồm 2 tháp, một tháp cao 18 m và một tháp cao 20m. Tháp đôi được gọi là "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Cả hai tháp không phải là tháp vuông nhiều tầng thường thấy của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm 2 phần chính: Khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ tháp. Tháp Đôi ảnh hưởng nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ giáo. Tháp được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1980
5. Tháp Nhạn (Phú Yên)
Tháp Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc phường 1, TP Tuy Hòa. Tháp là nơi thờ phụng thần linh theo tín ngưỡng người Chăm, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII.
Trong thời kỳ kháng chiến, đạn pháo đã làm cho đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ. Ngày nay tháp được tu bổ, phục dựng tương đối hoàn chỉnh.
Tháp Nhạn là một trong những điểm đến ở Phú Yên được du khách tham quan đông nhất. Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử và đây cũng là một thắng tích tiêu biểu của Phú Yên. Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 11/1988.
(còn tiếp)