Bánh tét có thành phần nguyên liệu và cách chế biến gần giống như bánh chưng, chỉ khác ở lá gói (lá chuối thay vì lá dong) và hình dáng (tròn dài thay vì vuông dẹp) so với bánh chưng. Ở các vùng thuộc Bắc Bộ như Phú Thọ, Kinh Bắc và một số vùng cao, cũng có loại bánh với hình dáng và cách làm tương tự, được gọi với tên gọi khác là: bánh tày. Riêng tên gọ: bánh tét là tên gọi phổ biến ở 2 miền Trung – Nam.
Nguyên liệu để gói bánh tét bao gồm: gạo nếp, đậu xanh tách vỏ, thịt heo và một số gia vị tương tự như để làm bánh chưng. Bánh tét thường chỉ để được vài ngày, vì vậy người ta thường nấu bánh tét vào sát đêm giao thừa để có thể dùng trong những ngày Tết. Khi ăn bánh tét, người khéo léo có thể dùng sợi lạc buộc ngoài bánh để tét bánh thành những khoanh tròn đẹp mắt. Bánh tét thường ăn kèm với thịt kho tàu và dưa món để làm tang hương vị và đỡ ngán. Sau những ngày Tết, phần bánh còn lại chưa dùng hết sẽ được đem rán giòn với dầu, trở thành một món ăn gây bao thương nhớ cho những người con xa xứ mỗi độ xuân về.
Bánh tét có hình trụ dài nên còn được gọi là đòn bánh, hai đòn thường có một quai bánh chung bằng gân lá chuối tạo thành một cặp. Do có hình trụ nên khi nấu xong không thể ép bớt nước được và cả do dùng lá chuối nên bánh để không được lâu. Để khắc phục, người ta thường làm bánh không có nhân thịt để có thể để được lâu hơn hoặc dùng ăn chay với nhân có thể là chuối chin hay đậu đen. Với bánh tét nhân chuối thì người ta thường chọn chuối xiêm rồi ướp thêm đường để tăng vị ngọt, khi bánh chín màu đỏ tím trông rất bắt mắt. Bánh tét nhân đậu đen thường chấm thêm đường cát ăn thì ngon hơn. Người ta thường làm nhân bánh ngọt đối với bánh tét chay.
Bánh tét là hương vị riêng của Nam Bộ thế nhưng bánh tét không phải nơi nào cũng giống nhau. Nếu ở Sài Gòn bánh tét chỉ thuần túy làm bằng gạo nếp và đậu xanh thì xuống đến miền Tây bánh tét trở nên đa sắc với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc; ra đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật, người Cần Thơ lại có bánh tét lá cẩm. Ở Trà Cuôn có loại bánh tét được đánh giá với chất lượng tuyệt hảo, hay món bánh tét trộn đậu phộng vùng Bình Dương – Tây Ninh, bánh tét nhân hột điều Đồng Nai, bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh tét cốm dẹp Sóc Trăng, bánh tét bắp non Ba Tri….
Bánh tét Trà Cuôn - Trà Vinh
Ngày Xuân, mọi thành viên trong gia đình về đoàn tụ và được thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc. Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu, thịt sẽ là hương vị đậm đà khó quên cho mỗi người, nhất là đối với du khách đã một lần ghé thăm và ăn Tết với người dân Nam Bộ.