Người miền Nam thường chuộng món ăn theo tên gọi hoặc hình ảnh gợi lên sự sung túc, ví dụ như chưng mâm trái cây thì phải là "cầu dừa đủ xoài" (đọc theo tiếng địa phương miền Nam sẽ là “cầu dzừa đủ xài”), kho nồi thịt thì nhất định miếng thịt phải xắt vuông lớn, kho chung với hột vịt tròn để có được sự toàn vẹn; trái dưa hấu cắt ra phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn...
Trái khổ qua cũng thế, người miền Nam ăn canh khổ qua để hy vọng những khó khăn “khổ” ải sẽ “qua” hết để năm mới suôn sẻ, may mắn. Loại trái này chẳng phải quý hiếm, gia đình nào cũng có thể mua ăn quanh năm, nhưng Tết đến sẽ mang một ý nghĩa khác biệt, mang lại cảm giác yên tâm cho gia chủ trong năm mới.
Ăn canh khổ qua để “khổ” đi “qua”
Để có món canh khổ qua ngon, thì trái phải xanh đậm, suôn dài, gai nở to. Sau khi moi bỏ hết ruột, rửa sạch thì trụng qua nước sôi, ngâm vào nước đá để giúp cho trái ổ qua giữ được màu xanh đẹp mắt sau khi hầm. Nhân khổ qua cũng tùy khẩu vị mỗi nhà, ngoài thịt bằm có nhà còn trộn thêm mộc nhĩ và miến, đổi món thì dùng chả cá, người miền Tây dùng cá thác lác, người miền Trung thích dùng cá biển.
Canh khổ qua dồn cá thác lác
Ẩm thực truyền thống ngày Tết của người Việt Nam tưởng chừng đơn giản mà hóa ra rất tinh tế, khéo léo, món canh khổ qua không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, mong muốn mọi “khổ ải đi qua” mà còn là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc rất hiệu quả. Nhất là khi ngày Tết hiện đại hôm nay đã quá thừa mứa những món thịt cá dầu mỡ và bia rượu, một chén canh khổ qua mát lòng là không thể thiếu được.