Không phải ai cũng có thể dễ dàng thưởng thức các món mắm của người Việt Nam, nhất là đối với du khách nước ngoài bởi mùi nồng và vị đậm đặc trưng của từng loại mắm. Thế nhưng, nếu đã một lần nếm thử các loại mắm Việt thì bất kỳ ai cũng không thể nào quên được.
Hãy cùng Vietkings khám phá 5 loại mắm đặc sản nổi tiếng Việt Nam trong danh sách dưới đây:
1. Mắm rươi (Tỉnh Hải Dương)
Rươi là loài thuỷ sản có từ lâu ở những vùng đất trũng tiếp giáp giữa nước ngọt và nước lợ, như ở các huyện: Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ (Hải Dương); Đông Triều (Quảng Ninh); An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo (Hải Phòng)...
Thường trong một năm rươi xuất hiện nhiều đợt kéo dài từ tháng 5 cho đến giáp tết âm lịch. Có 2 vụ rươi chính: Rươi chiêm (khoảng đầu tháng 5 âm lịch) và rươi mùa (từ cuối tháng 9 âm lịch). Tại Hải Dương, vào mùa rươi năm nay, rươi có ít và đắt, có lúc giá lên tới trên 100.000 đồng/kg. Vì vậy, món ăn làm từ rươi từ lâu nay đã trở thành đặc sản quý hiếm với nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn.
Mắm rươi được ăn một cách đơn giản bằng cách vắt thêm tí chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho các loại thức ăn rất ngon miệng, thậm chí chỉ trộn với cơm nguội ăn cũng rất ngon. Tuy nhiên, người sành điệu ăn mắm rươi hết sức cầu kỳ với những nguyên liệu khá phức tạp, bao gồm hàng chục thứ rau khác khau và có hai cách ăn chính là ăn mắm sống và mắm chưng.
2. Mắm tôm chua (Tỉnh Thừa Thiên Huế)
Mắm tôm chua là một món ăn của miền Trung Việt Nan, đặc biệt là tại Huế, làm từ tôm rảo tươi ủ chua. Huế là nơi làm mắm tôm chua nổi tiếng.
Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình. Khi làm mắm tôm chua phải chọn con tôm còn sống, rửa sạch bằng nước muối (nếu rửa bằng nước ngọt thì tôm sẽ bị tanh). Tôm rửa sạch được làm chín bằng cách ngâm vào rượu trắng mạnh. Tôm chín màu đỏ rực. Đem tôm trộn đều với xôi nếp, ớt, riềng và tỏi đã thái chỉ. Cuối cùng cho tất cả vào một cái hũ bằng sành hoặc đất nung, phía trên xếp một lớp lá ổi rửa sạch và vẩy cho hết nước, đậy kín lại. Sau 5-7 ngày là thành mắm tôm chua.
3. Mắm Thái Châu Đốc (Tỉnh An Giang)
Nếu có dịp về Châu Đốc vãn cảnh núi Sam, chắc hẳn không một ai không nghe nhắc đến món mắm thái, một đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Thật khó quên nếu một lần ăn mắm thái cùng thịt lợn luộc với rau thơm, vị ngọt thơm của cá pha lẫn vị béo từ thịt, hương thơm của rau và vị nồng của gừng xắt nhuyễn.
Mắm thái được làm từ cá lóc, cá bông tươi, đường, thính (gạo rang vàng giã nhuyễn) và đu đủ thái sợi, một cách chế biến thật giản dị, dân dã. Nhưng để mắm có chất lượng thơm ngon, để lâu không bị chua thì lại khác.
4. Mắm Cá Linh (Tỉnh An Giang)
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ cuối tháng Tám dương lịch hàng năm. Đây cũng là lúc con Cá linhxuất hiện. Vì là cá trắng nên chỉ thích hợp môi trường nước chảy.
Mùa cá linh bắt đầu từ khoảng tháng 8 âm lịch, từng đàn cá linh theo con nước lớn tràn đồng. Cá đánh bắt nhiều, ăn không hết người ta lại đem ủ làm mắm. Mắm cá linh ủ càng lâu càng ngon, đặc biệt thơm ngon nhờ ủ cá tươi sống. Những con cá linh khi thành mắm có màu vàng ươm và thơm lựng, cũng chính là nguyên liệu làm nên món mắm kho nổi tiếng ở đây.
5. Mắm Ba Khía (Tỉnh Cà Mau)
Mắm ba khía là loại mắm được làm chủ yếu từ con ba khía- một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh.
Con ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Cách bắt và muối ba khía không cầu kỳ, nhưng vẫn làm nên món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang.
Người sành ăn ba khía muối cho rằng, ba khía muối mang trộn với chanh, tỏi, ớt, đường rồi ăn với cơm nguội thì mới đậm đà và đúng điệu. Bạn có thể ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay vào cơm, rồi ăn trong lúc trời mưa thì quả là không gì có thể sánh bằng.