Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) - người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo - đã đến chùa vào tháng ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, các chùa thờ Tứ Pháp tổ chức hội với trung tâm là chùa Dâu. Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi. Lễ hội có nhiều nghi thức sinh hoạt dân gian và nhiều trò diễn xướng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương, tín đồ, tăng, ni phật tử đến cúng lễ, dâng hương, dự hội.
Chùa Dâu là một danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc, được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là ngôi chùa phát xuất dòng thiền đầu tiên của Việt Nam: dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Năm 2006, chùa Pháp Vân được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam".
Năm 2007, chùa Pháp Vân được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Ngôi chùa phát xuất dòng Thiền đầu tiên của Việt Nam".